D'JARAI COFFEE

Các Giống Cây Cà Phê Trên Thế Giới

Lê Xuân Đông Friday, 19 February, 2021

VỚI GIỐNG NHO ĐỂ LÀM RƯỢU VANG THÌ SAO ?

Đối với những người yêu thích rượu vang, hẳn sẽ chẳng lạ lẫm gì các thuật ngữ “Merlot” hay “Pinot Noir”, bởi những thuật ngữ này chứa đựng những thông tin rõ ràng cần truyền tải. Những thuật ngữ này không đơn giản là những cái tên được gán ghép cho các dòng sản phẩm rượu vang một cách ngẫu hứng. Đó là những thuật ngữ đề cập đến nguồn gốc các giống nho được trồng để thu hoạch nho làm rượu vang. Cả Merlot và Pinot Nior đều là những loại rượu vang, tuy nhiên có sự khác biệt bên trong khi thưởng thức hương vị. Bạn cũng có thể áp dụng cách hiểu tương tự này đối với cà phê.

Theo cách đó, cái tên của giống cây cà phê sẽ cho bạn biết loại sản phẩm cà phê bạn đang thưởng thức được sản xuất từ hạt cà phê của giống cây nào. Ví dụ bạn thấy trên bao bì sản phẩm cà phê có đề cập đến những cái tên như Caturra, Heirloom, Margogipe, điều đó có nghĩa cà phê được chế biến từ giống Caturra, Heirloom hay Margogipe, chỉ là một trong hàng ngàn giống cây cà phê hiện nay trên thế giới. Những thuật ngữ này cũng giúp cho các tín đồ cà phê dễ dàng nhận ra đâu là hương vị đặc trưng của từng loại cà phê mà họ yêu thích.

Bài viết này sẽ phân tích sâu hơn về các loại giống cây cà phê để mang lại bức tranh tổng quát về những giống cây cà phê phổ biến hiện nay:

ETHIOPIAN HEIRLOOM

Đến từ Ethiopia, từ “Heirlooms” được dùng để gọi chung cho tất cả giống cà phê từ Ethiopia.

Tại sao lại là tên gọi chung ? Theo ước tính, có đến 6000 đến 10,000 giống cà phê đang được trồng tại Ethiopia – Vâng, từ 6000 đến 1000 ngàn giống cà phê. Với số lượng khổng lồ về các loại giống đang tồn tại ở Ethiopia, người ta không thể làm xét nghiệm chi tiết về các loại gen để giúp người mua phân biệt rõ ràng mỗi loại khác nhau thế nào. Với hiện tượng thụ phấn chéo xảy ra một cách tự nhiên cho đến nay, thuật ngữ “Ethiopian Heirloom” ra đời được dùng để gọi chung cho tất cả các giống cà phê ở Ethiopia. Đó là điều thực sự khiến cho cà phê Ethiopia trở nên huyền bí và thú vị. Mỗi làng hay thị trấn đều có một hoặc một vài giống cây cà phê tiềm năng khiến cho cà phê ở khu vực đó trở nên đặc biệt không giống bất cứ nơi nào khác.

Người Ethiopia cho rằng đất nước họ là nơi khởi nguồn sinh ra những cây cà phê, vậy bằng cách nào xuất hiện những giống cây cà phê khác trồng khắp nơi trên thế giới ? Để tìm hiểu các giống cây cà phê, cách hay nhất là chúng ta cùng nhìn lại lịch sử các mốc thời gian quan trọng liên quan đến cây cà phê nhé.

TÓM TẮT LỊCH SỬ CAFÉ

Người ta tin rằng tỉnh Kaffa của Ethiopia chính là vùng đất khởi nguyên của cây cà phê. Từ thế kỉ thứ 9 người ta đã nói đến loại cây này ở đây. Thậm chí có một truyền thuyết đã được ghi lại như sau: Có chàng trai chăn dê ở Kaffa (thuộc Ethiopia ngày nay) tên là Kaldi, một ngày nọ bỗng phát hiện ra một số con dê trong đàn sau khi ăn một cành cây có hoa trắng và quả màu đỏ đã chạy nhảy không mệt mỏi cho đến tận đêm khuya. Khi Kaldi ăn thử loại quả màu đỏ đó anh đã xác nhận công hiệu của nó. Chàng trai bèn đem chuyện này kể với các thầy tu tại một tu viện gần đó. Sau đó các thầy tu đã đi xem xét lại khu vực ăn cỏ của bầy dê và phát hiện ra một loại cây có lá xanh thẫm và quả giống như quả anh đào. Họ uống nước ép ra từ loại quả đó và tỉnh táo cầu nguyện chuyện trò cho đến tận đêm khuya. Như vậy có thể coi rằng nhờ chính đàn dê này con người đã biết được cây cà phê.

Tuy nhiên đó chỉ là truyền thuyết. Sự thật thì cây cà phê có nguồn gốc đầu tiên là ở Ethiopia. Vào thế kỉ thứ 14 những người buôn nô lệ đã mang cà phê từ Ethiopia sang vùng Ả Rập. Nhưng tới tận giữa thế kỉ thứ 15 người ta mới biết rang hạt cà phê lên và sử dụng nó làm đồ uống. Vùng Ả Rập chính là nơi trồng cà phê độc quyền. Trung tâm giao dịch cà phê là thành phố cảng Mocha, hay còn được gọi là Mokka, tức là thành phố Al Mukha thuộc Yemen ngày nay.

Với sự bành trướng của Đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) đồ uống này càng ngày càng được ưa chuộng hơn. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Ba Tư. Trong những quán nhỏ ở vùng tiểu Á, Syria và Ai Cập người ta gặp nhau để thưởng thức loại đồ uống kì lạ. Kể từ năm 1532 các quán cà phê luôn đông nghịt khách.

Đến thế kỷ 17, trong thời kỳ thuộc địa, Từ Yemen, người Hà Lan đã đưa vào canh tác cây cà phê trên đảo Java (Đảo lớn nhất của Indonesia, chiếm 60% dân số.) cùng với cây chè, mía và cao su. Cây cà phê sau đó được trồng phổ biến tại các thuộc địa của Hà Lan, đưa nước này thống trị ngành thương mại cà phê thời điểm đó. Trong một sự kiện trọng đại, chính phủ Hà Lan muốn gửi tặng một món quà đến Vua nước Pháp, và cuối cùng món quà được lựa chọn đó chính là cây cà phê.

Vua nước Pháp đã đón nhận món quà một cách trân trọng và cho xây dựng một nhà kính đặc biệt để trồng và chăm sóc loại cây cà phê này đúng cách. Cho đến bây giờ, chúng ta phải cảm ơn vì điều đó, bởi đó chính là giống cây cà phê tổ tiên của hầu hết các giống cây cà phê sau này trên thế giới. Sau đó những hạt cà phê từ đây được mang đi gieo trồng khắp nơi trên thế giới; đầu tiên là ở Mỹ La tinh và hòn đảo Bourbon (bây giờ là đảo Reunion nằm ở phía đông của đảo quốc Madagascar).

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ TYPICA (CÒN RẤT ÍT Ở CẦU ĐẤT – ĐÀ LẠT)

Cây cà phê khi đem sang trồng ở Mỹ La tinh được gọi là cây cà phê Typica theo tiếng La tinh. Như vậy Typica cũng chính là một trong những giống cà phê lâu đời nhất có nguồn gốc từ Ethiopia chưa bị lai tạo hay đột biến gen. Typica có năng suất rất thấp, kích thước hạt nhỏ, hình bầu dục. Tuy nhiên, chất lượng của Typica là tuyệt vời thể hiện hương vị xuất sắc, vị đắng ngọt pha lẫn 1 chút chua nhẹ, thể chất mạnh và quân bình

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ BOURBON (CÒN RẤT ÍT Ở CẦU ĐẤT – ĐÀ LẠT)

Cây cà phê khi đem sang trồng ở Châu Phi, trên hòn đảo Bourbon (bây giờ là đảo Reunion thuộc nước Cộng hòa Madagascar - là một đảo quốc nằm trên Ấn Độ Dương, ngoài khơi bờ biển đông nam bộ của đại lục Châu Phi) – chắc bạn cũng đoán ra được – tên gọi cây cà phê Bourbon bắt nguồn từ đó. Vậy tại sao nó không phải là cây cà phê Typica ? Giống cây này đã thực sự đột biến gen thành một giống cây cà phê khác hoàn toàn so với giống cây Typica. Một trong những điểm khác biệt lớn đó là giống Bourbon cho năng suất cao hơn, lượng quả thu hoạch cao hơn 30% so với giống Typica. Với ưu thế vượt trội, nó trở thành giống cây được ưa trồng nhiều hơn. Và hạt của giống cây này được đem trồng ở nhiều khu vực phía Trung và Nam Mỹ.

Bourbon được cho rằng có hương vị phức tạp và ngọt hơn so với dòng Typica. Đây là giống cà phê có hàm lượng tính axit hữu cơ phong phú nên vị của nó chua thanh, rất hấp dẫn, mùi thơm của cà phê Bourbon quyến rũ vô cùng và cảm giác về vị trong miệng khi uống rất thích thú, thể chất trung bình, hậu vị ngọt nhẹ kéo dài.

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ CATURRA (CÒN MỘT ÍT Ở VIỆT NAM)

ở Brazin, sự đột biến gen một lần nữa khiến giống cây này có kích thước lùn hơn giống cây Bourbon nhưng lại cho năng suất cao hơn. Do được trồng ở khu vực ven thị trấn Caturra, Brazin, nên giống cây này được gọi tên là cây cà phê Caturra. Do kích thước cây gọn hơn lại cho năng suất cao hơn nên được người nông dân lựa chọn và ngày càng trở nên rất phổ biến. Chất lượng của giống cây Caturra này rất tốt, cho vị chua thanh, thể chất trung bình, mùi thơm nồng nàn và có ngọt hơn so với Bourbon thuần chủng.

GIÔNG CÂY CÀ PHÊ CATUAI (KHÔNG CÒN Ở VIỆT NAM)

Catuai là sản phẩm lai tạo vào những năm 1940 giữa dòng cà phê Caturra với dòng cà phê Mundo Novo (dòng lai tạo giữa hai dòng Arabica thuần chủng là Bourbon và Typica). Catuai được nhập vào Việt Nam từ Cuba trong giai đoạn những năm 1980 cùng với cà phê Catimor trồng tại vùng Phủ Quỳ, Nghệ An, sau đó đưa giống vào phát triển thêm tại khu vực Quảng Trị. Catuai cho năng suất khá tốt nhưng sức chịu đựng sâu bệnh, sương muối.…rất kém, có thể do có đặc tính di truyền từ Caturra nổi tiếng với kháng thể kém. Vì lý do này, Catuai không được phát triển tiếp, chỉ còn lác đác vài vườn, nhưng ngay cả như vậy tỷ lệ lẫn cà đỏ Catimor trong vườn cũng rất cao. Người dân thu hái và bán lẫn với Catimor. Khác với Catimor có màu đỏ, quả cà phê Catuai chín có màu vàng. Đa số nhân có hình dạng tròn như nhân Catimor nhưng tỷ lệ xuất hiện những hạt dài nhiều hơn Catimor. Điều này có thể gây ra bởi nguyên nhân các vườn Catuai ở khu vực không còn được đồng nhất về giống.

https://varieties.worldcoffeeresearch.org/varieties/catuai

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ CATIMOR (TRỒNG ĐẠI TRÀ Ở VIỆT NAM)

Vào khoảng thế kỷ 19, tại Trung Nam Mỹ thường xuyên xảy ra các dịch bệnh trên cây cà phê. Đặc biệt là đối với giống cây Bourbon, Typica và Moka. Lúc này, các nhà khoa học cố gắng nghiên cứu tạo ra giống cafe có khả năng kháng bệnh, thân nhỏ và cho năng xuất cao. Đến năm 1959, các nhà khoa học Bồ Đào Nha đã thành công khi cho ra đời giống cafe Catimor, dòng cà phê đáp ứng các tiêu chí trên.

Đây là giống cây có “gia phả” rất đặc biệt. Catimor là giống cây lai mang “dòng máu” của Caturra và Timor Hybrid – bản thân giống Timor Hybrid cũng lại là giống cây có “gia phả” phức tạp rất thú vị, bởi đó là giống cây lai giữa Robusta và Arabica. Trái ngược hoàn toàn với những giống cây cà phê đã đề cập bên trên đều nói về Arabica. Với giống cây Catimor, do mang một phần “dòng máu” Timor nên sở hữu những đặc tính của giống cà phê Robusta như đắng hơn một chút, hàm lượng cafein đậm hơn một chút so với Arabica và tính ưu việt nổi bật của giống này là kháng bệnh gỉ sắt (Hemileia vastatrix), một loại bệnh làm rụng lá cà phê dẫn tới năng suất thấp và bấp bênh. Catimor là giống cà phê thuộc dạng thấp cây, cành đốt ngắn, có khả năng trồng dày.

Như vậy có thể thấy, giống cây Catimor được phát triển ở Brasil nhắm mục đích cho ra đời 1 giống cà phê có sản lượng cao và đề kháng với bệnh tật. Ở Việt Nam, cà phê Catimor không thích hợp với khí hậu vùng đất Tây Nguyên vì trái chín trong mùa mưa và không tập trung, nên chi phí hái rất cao. Hiện nay Catimor được trồng tập trung ở các vùng Điện Biên, Sơn La, Quảng Trị, Lâm Đồng. Về chất lượng, cà phê Catimor luôn luôn kém hơn so với các giống Arabica thuần chủng khác, chủ yếu là do ảnh hưởng của Robusta trong chủng Timor. Tuy mui hương của cafe Catimor không tinh tế bằng cà phê Arabica Mocha, Bourbon nhưng nó lại có vị ngọt dịu rất đặc biệt và có sức hấp dẫn rất lớn với phái đẹp với hương vị mà nó đang có. Cà phê Catimor có giá trị kinh tế cao hơn trên thị trường so với cà phê Robusta và hầu như trên thị trường cà phê Việt Nam các sản phẩm cà phê Arabica đa số là cà phê Catimor

Qua thống kế chưa chính thức của các chuyên gia tại Djarai Coffee, giống thuần chủng Arabica hiện nay như Typica, Bourbon, Caturra, Moka, Catuai ở Việt Nam chỉ còn rất ít được nông dân giữ lại trồng để nghiên cứu hoặc kỷ niệm là chính. Hiện nay phong trào cà phê đặc sản đang xuất hiện ngày một lớn mạnh tại Việt Nam, nhiều nông trại có tâm huyết đã bắt đầu nhân giống trở lại và thử nghiệm ở Cầu Đất – Đà Lạt và các vùng phụ cận như Đức Trọng, Lâm Hà. Có thể nói hiện nay 99% cà phê Arabica của Việt Nam đều là giống Catimor.

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ TIMOR HYBRID

Timor Hybrid là một giống cà phê được lại chéo giữa cây Arabica và cây Robusta thừa hưởng được hương vị của cây Arabica và khả năng kháng bệnh của Robusta.

Timor Hybrid được phát hiện vào năm 1927 trong một đồn điền cà phê Typica được thành lập vào năm 1917, tại Đông Timor ngày nay. Nông dân trồng cà phê ở Timor bắt đầu trồng Timor Hybrid vào những năm 1940. Sau đó hạt giống Timor Hybrid đã lan sang các đảo khác của Indonesia và sau đó đến các viện nghiên cứu trên khắp thế giới, nơi các nhà lai tạo đã lai chúng với các cây cà phê Arabica khác tạo ra các giống mới như: giống Catimor, Sarchimor ở Brazil; giống Ruiru 11 ở Kenya; giống Colombia ở Colombia và giống Costa Rica 95 ở Costa Rica

https://www.coffeehunter.com/.../hdt-hibrido-de-timor.../

GIỐNG CÂY CÀ PHÊ GEISHA

Điều gì đã xảy ra khi một giống cây cà phê có nguồn gốc tại Ethiopia được đem trồng ở Panama, đã từng tham dự nhiều cuộc thi thế giới và là đối thủ đáng gờm so với những loại cà phê danh giá nhất thế giới hiện nay ?

Câu trả lời là gì ? Đó là dòng cà phê đỉnh cao, nó phá vỡ kỷ lục về giá và tạo ra làn sóng mới trong nền công nghiệp cà phê đặc sản thế giới. Vậy loại cà phê đặc biệt được cả thế giới săn lùng này có tên gọi là gì ?

Đó chính là Geisha hay còn gọi là Gesha.

Một phần câu chuyện khiến dòng cà phê này trở nên rất thú vị đó là nguồn gốc xuất phát của giống cà phê cực kỳ hiếm hoi này được phát hiện tại vùng Geisha ở phía Tây Nam Ethiopia những năm 1930. Sau đó được lãnh sự quán Anh mang qua trồng tại Tanzania và Costa Rica (tìm hiểu thêm nguồn WikiPedia – Geisha coffee). Từ nơi đây, giống cây này được trồng và phát tán qua Panama vào những năm 1960. Thú vị ở chỗ, sau khi được mang qua trồng ở Panana, dòng cà phê đặc sản này lại sở hữu được hương vị đặc trưng của cả 2 vùng Ethiopia và Panama. Geisha đã hoàn toàn chinh phục tất cả những người sành cà phê có tiếng xuất sắc nhất trên thế giới. Hương vị của nó phức tạp không diễn tả nỗi. Về cơ bản Geisha có vị ngọt ngào, hậu vị chua thanh và đắng dịu xen lẫn, hương vị phong phú cực độ, thậm chí có cả mùi trái cây chín như xoài, đu đủ, đào pha với mật ong, mùi cỏ cây, mùi trái dâu rừng chung với mùi đường mạch nha.

Đối với những nhà rang cà phê đặc sản, việc rang cà Geisha luôn mang một cảm giác huyền bí đầy lo lắng. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi đó là dòng cà phê quyến rũ nhất thế giới và nổi tiếng với mức giá khủng nhất trong các cuộc đấu giá cà phê.

Dòng cà phê Geisha bắt đầu nổi tiếng và được nhiều người biết đến vào năm 2004, khi gia đình nhà Hacienda La Esmeralda mang Geisha đến tham dự cuộc thi “the Best of Panama coffee competion”. Tại cuộc thi, chất lượng của cà phê Geisha được cho là khác biệt lạ thường và rất hấp dẫn với mức đấu giá kỷ lục lên đến 21 USD/pound. Mức giá kỷ lục gần đây nhất của dòng cà phê Panama Geisha xuất hiện trong cuộc đấu giá năm 2019 tại Panama, được ghi nhận ở mức 1029 USD/pound (cà phê nhân xanh chưa rang) sản xuất bởi “The Lamastus Family Estates”. Sau đó nó được rang và bán cho các shop café khắp thế giới dưới cái tên “Elida Natural Geisha 1029” với mức giá 100 USD/18 gr, nghĩa là tương đương vào khoảng 100 USD cho một ly cà phê hoặc mức giá 2522 USD/pound cà phê đã rang thành phẩm. Điều đó khẳng định Geisha là loại cà phê đắt nhất thế giới tại thời điểm hiện nay.

CÀ PHÊ MOCHA (CÒN RẤT ÍT Ở CẦU ĐẤT – ĐÀ LẠT)

Tên gọi này được bắt nguồn từ chính cảng đã đưa cà phê đi ra thế giới – Cảng Mocha, Yemen. Chúng ta đã biết giống cà phê nói chung đã theo chân của đoàn quân viễn chinh Pháp khi vào Việt nam, vào thế kỷ 19, những nhà Nông học Pháp thời đó mang theo và chọn trồng giống cà phê Mocha trên địa hình Cao nguyên Lâm viên, trong cùng vĩ độ và độ cao như chính trên quê hương của hạt Mocha.

Cà phê Moka khi chiết xuất thủ công có màu vàng hổ phách trong trẻo, hương thơm sâu lắng, thanh thoát, nhẹ nhàng và quyến rũ. Moka có tổ hợp các hương rất phong phú tạo nên cảm giác mê hoặc khó tả. Đặc biệt, vùng Cầu Đất, thuộc xã Xuân Trường- Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi ban cho điều kiện lí tưởng để trồng loại cà phê này. Cà phê Moka Cầu Đất được mệnh danh là bà hoàng của các loại cà phê tại Việt Nam nhờ hương thơm quyến rũ và vị ngon độc đáo.

Tuy nhiên, do Moka có năng suất thấp và sức chống chịu thấp hơn hẳn Catimor, nên đã dần bị phá bỏ và được trồng thay thế bằng cây cà phê Catimor cho năng suất cao hơn. Dù có nhiều cố gắng khôi phục lại giống cà phê quí này, nhưng hiện nay Moka vẫn còn rất hiếm và do đó giá cà phê nhân Moka rất cao.

=============================

 D'JARAI COFFEE 

Nâng Tầm Cà Phê Việt.

985/7 Âu Cơ, Tân Sơn Nhì, Tân Phú, HCM

Hotline 0932130357.

Tags: Cây cà phê giống cà phê kiến thức cơ bản phân loại cà phê tên gọi cà phê
Bạn đang xem: Các Giống Cây Cà Phê Trên Thế Giới
Bài sau
Viết bình luận của bạn

Địa chỉ email của bạn sẽ được bảo mật. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng

Danh sách so sánh